Tiền sản giật
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ với biểu hiện đặc trưng là cao huyết áp (tăng huyết áp) và nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao (protein niệu). Tiền sản giật có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, thường là gan và thận. Vấn đề này thường bắt đầu sau tuần 20 của thai kỳ và có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, kể cả những người trước đây có huyết áp bình thường.
Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là gây tử vong cho cả mẹ và con. Cách hiệu quả nhất để chấm dứt tiền sản giật là sinh con ra nhưng có thể phải mất một thời gian sau sinh thì mới hồi phục hoàn toàn.
Trong các trường hợp được chẩn đoán mắc tiền sản giật quá sớm trong thời kỳ mang thai thì bác sĩ và thai phụ sẽ phải đưa ra quyết định giữa việc chờ thêm một thời gian để thai nhi đủ trưởng thành và chấp nhận rủi ro hoặc chấm dứt thai kỳ ngay lập tức.
Tiền sản giật cũng có thể xảy ra sau khi sinh. Tình trạng này được gọi là tiền sản giật sau sinh.
Triệu chứng
Tiền sản giật đôi khi không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tình trạng cao huyết áp có thể xảy ra từ từ hoặc khởi phát đột ngột. Theo dõi huyết áp là điều vô cùng quan trọng trong thời gian mang thai vì dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật thường là tăng huyết áp. Huyết áp vượt quá 140/90 mmHG hoặc cao hơn trong hai lần đo liên tiếp, cách nhau ít nhất 4 tiếng là dấu hiệu bất thường.
Các dấu hiệu, triệu chứng khác của tiền sản giật gồm có:
- Nồng độ protein cao trong nước tiểu (protein niệu) hoặc các triệu chứng của vấn đề về thận
- Đau đầu dữ dội
- Những thay đổi về thị lực, ví dụ như mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng
- Đau bụng trên, thường là vùng hạ sườn phải (khu vực dưới xương sườn bên phải)
- Buồn nôn và nôn
- Tiểu ít
- Giảm số lượng tiểu cầu trong máu
- Suy giảm chức năng gan
- Khó thở do tụ dịch trong phổi
Tiền sản giật còn có thể gây tăng cân đột ngột và sưng phù, đặc biệt là ở mặt và tay. Tuy nhiên, những hiện tượng cũng xảy ra ở cả những phụ nữ mang thai không bị tiền sản giật hoặc bị các vấn đề khác.
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám thai định kỳ đều đặn theo lịch để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe, bao gồm cả huyết áp. Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu bị đau đầu dữ dội, mắt mờ hoặc các vấn đề về thị lực khác, đau dữ dội ở bụng hoặc khó thở nghiêm trọng.
Vì đau đầu, buồn nôn và đau nhức cơ thể xảy ra rất phổ biến khi mang thai nên rất khó để xác định những hiện tượng mà mẹ bầu gặp phải có bình thường không hay là dấu hiệu của một vấn đề bất thường nào đó, đặc biệt là vào lần mang thai đầu tiên. Nếu như cảm thấy lo lắng về bất cứ dấu hiệu nào thì hãy đi khám ngay.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tiền sản giật có liên quan đến một số yếu tố khác nhau. Vấn đề này được cho là bắt đầu từ nhau thai – bộ phận có chức năng cung cấp oxy và chất dinh dướng cho thai nhi trong suốt thai kỳ. Vào đầu thời gian mang thai, các mạch máu mới hình thành và biến đổi để đưa máu đến nhau thai một cách hiệu quả.
Ở những phụ nữ bị tiền sản giật, các mạch máu này không phát triển hoặc không hoạt động bình thường. Chúng hẹp hơn mạch máu bình thường và phản ứng với các tín hiệu nội tiết tố theo một cách khác. Điều này làm hạn chế sự lưu thông máu.
Các nguyên nhân gây ra sự phát triển bất thường này gồm có:
- Sự lưu thông máu đến tử cung không đủ
- Mạch máu bị tổn hại
- Có vấn đề ở hệ miễn dịch
- Một số gen
Các dạng tăng huyết áp khác khi mang thai
Tiền sản giật là 1 trong 4 dạng tăng huyết áp có thể xảy ra khi mang thai. Ba dạng còn lại là:
- Tăng huyết áp thai kỳ: những phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ có huyết áp cao nhưng không bị protein niệu và không có dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác. Trong nhiều trường hợp, tăng huyết áp thai kỳ dẫn đến tiền sản giật.
- Tăng huyết áp mạn tính: tăng huyết áp mạn tính là tình trạng cao huyết áp xảy ra từ trước khi mang thai hoặc trước tuần 20 của thai kỳ. Nhưng vì thường không có triệu chứng nên rất khó xác định vấn đề bắt đầu từ khi nào.
- Tiền sản giật trên nền tăng huyết áp mạn: tình trạng này xảy ra ở những phụ nữ đã được chẩn đoán bị tăng huyết áp mạn tính trước khi mang thai nhưng sau đó tình trạng trở nên nặng hơn và nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao. Có thể còn kèm theo các vấn đề sức khỏe khác trong thai kỳ.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiền sản giật:
- Có tiền sử tiền sản giật: tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị tiền sản giật làm tăng đáng kể nguy cơ.
- Tăng huyết áp mạn tính: những phụ nữ bị tăng huyết áp mạn tính có nguy cơ cao bị tiền sản giật.
- Lần đầu mang thai: nguy cơ bị tiền sản giật cao nhất vào lần mang thai đầu tiên.
- Mang thai với một người mới: mỗi lần mang thai với một người mới sẽ lại làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật.
- Tuổi tác: nguy cơ tiền sản giật cao hơn ở những phụ nữ mang thai khi còn quá trẻ và những phụ nữ mang thai khi đã ngoài 35 tuổi.
- Chủng tốc: phụ nữ da đen có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn so với phụ nữ thuộc các chủng tộc khác.
- Béo phì: thừa cân, béo phì làm nguy cơ bị tiền sản giật.
- Mang đa thai: tiền sản giật xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ mang song thai, sinh ba hoặc nhiều hơn.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai: hai lần mang thai cách nhau chưa đầy 2 năm hoặc trên 10 năm sẽ làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
- Tình trạng sức khỏe: việc mắc một số bệnh nhất định trước khi mang thai, chẳng hạn như tăng huyết áp mạn tính, đau nửa đầu, tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2, bệnh thận, dễ hình thành cục máu đông hoặc lupus ban đỏ… đều làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
- Thụ tinh trong ống nghiệm: nguy cơ tiền sản giật sẽ tăng lên nếu mang thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán tiền sản giật nếu thai phụ bị cao huyết áp và có một trong các vấn đề dưới đây sau tuần thứ 20 của thai kỳ:
- Nồng độ protein cao trong nước tiểu
- Số lượng tiểu cầu thấp
- Suy giảm chức năng gan
- Các dấu hiệu khác của vấn đề về thận ngoài protein niệu
- Dịch trong phổi (phù phổi)
- Nhức đầu mới khởi phát hoặc các vấn đề về thị lực
Trước đây, chỉ khi bị cao huyết áp kèm theo protein niệu thì bác sĩ mới kết luận tiền sản giật. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng một số phụ nữ bị tiền sản giật những vẫn có nồng độ protein trong nước tiểu ở mức bình thường.
Chỉ số huyết áp vượt quá 140/90 mmHg là điều bất thường trong thai kỳ. Tuy nhiên, chỉ số huyết áp của một lần đo tăng cao hơn bình thường chưa chắc là dấu hiệu tiền sản giật. Thường sẽ phải đo lại sau 4 tiếng và nếu huyết áp vẫn cao thì có thể là biểu hiện tiền sản giật. Bác sĩ sẽ tiếp tục đo huyết áp vào những lần khám sau, đồng thời tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu để xác nhận.
Các xét nghiệm
Nếu nghi ngờ tiền sản giật thì bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra chức năng gan, chức năng thận và đo số lượng tiểu cầu - các tế bào giúp đông máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: lấy mẫu nước tiểu trong 24 giờ để đo lượng protein. Ngoài ra sẽ sử dụng mẫu nước tiểu ngẫu nhiên để đo tỷ lệ protein/creatinine (UPCR - urine protein creatinin ratio). Creatinine là một chất luôn có trong nước tiểu.
- Siêu âm thai: để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi. Hình ảnh siêu âm của thai nhi giúp bác sĩ có thể ước tính cân nặng và lượng nước ối trong tử cung.
- Xét nghiệm Non-test hoặc trắc đồ sinh vật lý (BPP): xét nghiệm Non-stress là một phương pháp đơn giản giúp kiểm tra phản ứng nhịp tim của thai nhi khi cử động. Phương pháp trắc đồ sinh vật lý sử dụng sóng siêu âm để đo nhịp thở, trương lực cơ, chuyển động của thai nhi và thể tích nước ối trong tử cung.
Điều trị
Phương pháp hiệu quả nhất để chấm dứt tiền sản giật là sinh con ra. Thai phụ sẽ có nguy cơ bị co giật, nhau bong non, đột quỵ và chảy máu nghiêm trọng cho đến khi huyết áp giảm. Tất nhiên, nếu vẫn còn cách ngày dự sinh quá xa thì sinh nở sẽ không phải là giải pháp tốt nhất.
Những phụ nữ được chẩn đoán mắc tiền sản giật sẽ cần đi khám thai thường xuyên hơn bình thường. Ngoài ra cũng cần xét nghiệm máu, siêu âm và xét nghiệm Non-test nhiều hơn.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị dưới đây.
Dùng thuốc
Các loại thuốc điều trị tiền sản giật gồm có:
- Thuốc hạ huyết áp: thuóc hạ huyết áp được sử dụng trong những trường hợp huyết áp tăng cao nguy hiểm. Huyết áp trong phạm vi 140/90 mmHg thường không cần điều trị. Có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp khác nhau nhưng một số loại không an toàn cho phụ nữ mang thai nên không được tự ý mua thuốc uống. Khi đi khám, bác sĩ sẽ theo dõi huyết áp và kê thuốc phù hợp.
- Thuốc corticoid: ở những phụ nữ bị tiền sản giật nặng hoặc hội chứng HELLP, thuốc corticosteroid có thể tạm thời cải thiện chức năng gan và tiểu cầu để giúp duy trì thai kỳ. Corticosteroid cũng có thể giúp phổi của thai nhi phát triển trong vòng 48 giờ. Đây là một bước quan trọng đối với những trẻ sinh non.
- Thuốc chống co giật: với những trường hợp bị tiền sản giật nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê thuốc chống co giật, chẳng hạn như magie sulfat.
Hạn chế vận động mạnh
Những phụ nữ bị tiền sản giật nên hạn chế vận động mạnh. Tuy nhiên, không nên nằm quá nhiều. Việc nằm một chỗ trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, tinh thần uể oải và yếu cơ. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy việc này không có tác dụng ngăn ngừa tiền sản giật.
Nhập viện
Các trường hợp tiền sản giật nghiêm trọng sẽ phải nhập viện để theo dõi. Bác sĩ sẽ thường xuyên tiến hành xét nghiệm Non-stress hoặc trắc đồ sinh vật lý để theo dõi sự phát triển của thai nhi và đo thể tích nước ối. Thiếu nước ối (thiểu ối) là một dấu hiệu cho thấy thai nhi không được cung cấp đủ máu.
Sinh con
Nếu thai phụ được chẩn đoán bị tiền sản giật ở gần cuối thai kỳ thì bác sĩ thường sẽ khuyên nên sinh ngay. Trạng thái của cổ tử cung (đã bắt đầu mở ra, mỏng và mềm đi hay chưa) là một yếu tố quyết định có cần kích thích chuyển dạ hay không và nếu có thì khi nào nên thực hiện.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định kích thích chuyển dạ hoặc sinh mổ ngay lập tức, bất kể tuổi thai hoặc trạng thái của cổ tử cung. Trong quá trình sinh, thai phụ sẽ có thể sẽ được truyền magie sulfat để ngăn ngừa co giật.
Sau khi sinh, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau phù hợp. Các loại thuốc thông thường như thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen hay naproxen sodium) có thể làm tăng huyết áp.
Có thể phải mất một thời gian sau khi sinh thì tình trạng cao huyết áp và các triệu chứng tiền sản giật khác mới khỏi hoàn toàn.
Biến chứng của tiền sản giật
Tiền sản giật càng nặng và càng xảy ra sớm trong thai kỳ thì mẹ và thai nhi phải đối mặt với rủi ro càng cao. Các trường hợp tiền sản giật có thể cần kích thích chuyển dạ và sinh sớm.
Nếu có các bệnh lý nền hoặc bị tiền sản giật nghiêm trọng thì có thể phải sinh bằng phương pháp sinh mổ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tiền sản giật vẫn có thể sinh thường. Tùy theo tình trạng mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp sinh nở phù hợp.
Một số biến chứng của tiền sản giật:
- Hạn chế sự phát triển của thai nhi: tiền sản giật ảnh hưởng đến các động mạch mang máu đến nhau thai. Nếu sự cung cấp máu đến nhau thai không đủ thì thai nhi sẽ không nhận được đủ máu, oxy và chất dinh dưỡng. Điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm, trẻ sin ra nhẹ cân hoặc sinh non.
- Sinh non: những trường hợp bị tiền sản giật nghiêm trọng sẽ cần sinh sớm để bảo vệ tính mạng cho mẹ và con. Tuy nhiên, sinh non sẽ ảnh hưởng đến hô hấp và gây ra các vấn đề khác cho trẻ. Bác sĩ sẽ chỉ định thời điểm sinh thích hợp nhất.
- Nhau bong non: tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau bong non - tình trạng mà nhau thai tách khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Nhau bong non nghiêm trọng có thể gây chảy máu nhiều và nguy hiểm đến tính mạng.
- Hội chứng HELLP: HELLP là hội chứng gồm có thiếu máu tán huyết (các tế bào hồng cầu bị vỡ), tăng men gan và số lượng tiểu cầu thấp. Đây là một dạng tiền sản giật nặng hơn và có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng của cả mẹ lẫn con. Các triệu chứng của hội chứng HELLP gồm có buồn nôn và nôn, đau đầu và đau ở vùng hạ sườn phải. Hội chứng HELLP đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây tổn thương một số hệ thống, cơ quan trong cơ thể. Đôi khi, tình trạng này xảy ra đột ngột, ngay cả trước khi phát hiện ra cao huyết áp và không có bất kỳ dấu hiệu nào.
- Sản giật: Khi tiền sản giật không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến sản giật. Sản giật về cơ bản là tiền sản giật kèm theo co giật. Thông thường, sản giật không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào. Vì sản giật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và con nên sẽ phải sinh càng sớm càng tốt.
- Tổn hại các cơ quan khác: tiền sản giật có thể gây tổn hại thận, gan, phổi, tim hoặc mắt và có thể gây đột quỵ hoặc dẫn đến các dạng tổn thương não khác. Mức độ ảnh hưởng đến các cơ quan khác phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiền sản giật.
- Bệnh tim mạch: bị tiền sản giật sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai. Nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu nếu bị tiền sản giật nhiều hơn một lần hoặc sinh non. Để giảm thiểu nguy cơ này thì sau khi sinh hãy cố gắng duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn nhiều trái cây và rau xanh, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia.
Phòng ngừa tiền sản giật
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm cách để ngăn ngừa chứng tiền sản giật nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ xảy ra vấn đề này bằng những cách dưới đây:
- Dùng aspirin liều thấp: đối với những trường hợp có các yếu tố nguy cơ, ví dụ như tiền sử tiền sản giật, mang đa thai, tăng huyết áp mạn tính, bệnh thận, tiểu đường hoặc bệnh tự miễn thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng aspirin liều thấp hàng ngày (81 mg) bắt đầu sau tuần của 12 thai kỳ để giảm nguy cơ tiền sản giật.
- Uống bổ sung canxi: những phụ nữ bị thiếu hụt canxi trước khi mang thai và chế độ ăn uống trong thời kỳ mang thai không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết có thể cần bổ sung canxi để ngăn ngừa tiền sản giật.
- Đảm bảo sức khỏe: trước khi mang thai, đặc biệt là nếu đã từng bị tiền sản giật trước đây, phụ nữ nên đảm bảo sức khỏe ở trạng thái tốt nhất. Giảm cân nếu thừa cân và kiểm soát các bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
- Hạn chế tăng cân khi mang thai: một nghiên cứu ở những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì cho thấy việc hạn chế tăng cân trong thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ bị tiền sản giật. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về giới hạn tăng cân phù hợp.
- Đi khám thai định kỳ: cách tốt nhất để giữ cho mẹ và thai nhi khỏe mạnh trong suốt thai kỳ là đi khám thai định kỳ theo đúng lịch để bác sĩ có thể theo dõi huyết áp và bất kỳ dấu hiệu bât thường nào. Khi đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ protein cũng như là các phương pháp khác để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Nếu bị cao huyết áp trước khi mang thai thì hãy nói với bác sĩ ngay từ lần khám thai đầu tiên. Nếu phát hiện tiền sản giật thì bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị để ngăn ngừa biến chứng và đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, vitamin hay thực phẩm chức năng nào.
Tiền sản giật sau sinh
Tiền sản giật sau sinh cần được điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị thì vấn đề có thể gây co giật và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Tiền mãn kinh
Mỗi phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh ở một độ tuổi khác nhau. Đa số phụ nữ gặp các dấu hiệu tiền mãn kinh, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều, từ khoảng độ tuổi 40 những cũng có nhiều người nhận thấy những thay đổi ngay từ giữa độ tuổi 30.
Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo sẽ cản trở đường ra của em bé khi sinh nên nếu vấn đề không giải quyết thì sẽ phải sinh mổ.
Co giật do sốt sau khi tiêm chủng ở trẻ em
Co giật do sốt có thể xảy ra khi trẻ mắc bất kỳ bệnh nào gây sốt, bao gồm cả các bệnh thường gặp ở trẻ như cảm lạnh, cúm, viêm tai hay sốt phát ban. Tiêm vắc-xin cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây sốt nhưng ít khi dẫn đên co giật.
Ý kiến bạn đọc