Tìm hiểu chung về viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là gì
Hệ thống tiết niệu là hệ thống sinh ra nước tiểu và đào thải nó ra khỏi cơ thể, bao gồm bàng quang và thận và các ống kết nối chúng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống này, chúng có thể gây nhiễm trùng.
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) là nhiễm khuẩn bàng quang. Nhiễm trùng bàng quang thường không nghiêm trọng nếu được điều trị ngay. Nếu bạn không quan tâm chữa trị bệnh viêm bàng quang, nó có thể lây lan đến thận. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng và có thể gây tổn thương vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu là gì?
Thông thường, vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống của bạn thông qua niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Những vi trùng gây ra bệnh cũng sống trong ruột già và được tìm thấy trong phân của bạn. Nếu những vi trùng này đi vào trong niệu đạo, chúng có thể vào bàng quang và thận, từ đó gây nhiễm trùng.
Phụ nữ có xu hướng bị viêm nhiễm bàng quang nhiều hơn nam giới. Điều này có thể là vì phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn, do đó vi trùng dễ dàng di chuyển lên bàng quang của họ. Quan hệ tình dục có thể khiến vi trùng dễ đi vào niệu đạo phụ nữ hơn.
Bạn có thể bị nhiễm trùng nếu bị bệnh tiểu đường hoặc đang mang thai. Nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang cao hơn nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang, ví dụ sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
Vì những lý do không được hiểu rõ nên một số phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang tái đi tái lại nhiều lần.
Triệu chứng của bạn là gì?
Bạn có thể bị nhiễm trùng nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Bạn cảm thấy đau hoặc buốt, rát khi đi tiểu.
- Đái dắt: bạn cảm thấy phải đi tiểu thường xuyên, nhưng mỗi lần đi không được nhiều nước tiểu.
- Bạn bị đau bụng dưới.
- Nước tiểu có nhiều vẩn, có màu hồng hoặc đỏ, hoặc có mùi hôi.
- Bạn bị đau ở một bên lưng, phía dưới xương sườn. Đây là vị trí của thận.
- Bạn bị sốt và ớn lạnh.
- Bạn bị buồn nôn và nôn.
Gọi bác sĩ ngay nếu bạn nghĩ mình bị viêm đường tiết niệu và:
- Bạn bị sốt, buồn nôn và nôn mửa, hoặc đau ở một bên lưng dưới xương sườn.
- Bạn bị bệnh tiểu đường, các vấn đề về thận, hoặc hệ miễn dịch yếu.
- Bạn trên 65 tuổi.
- Bạn có thai.
Cách chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu
Bác sĩ sẽ yêu cầu mẫu nước tiểu của bạn và kiểm tra để xem có vi trùng gây bệnh nhiễm trùng bàng quang hay không.
Nếu bị nhiễm trùng thường xuyên, bạn có thể cần thêm xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân.
Cách điều trị
Kháng sinh do bác sĩ kê toan thường sẽ điều trị hiệu quả bệnh viêm bàng quang. Uống nhiều nước hoặc các chất lỏng khác để đi tiểu thường xuyên, làm rỗng sạch bàng quang sẽ rất hữu ích.
Đối với các triệu chứng tiết niệu như đau hoặc nóng, có một loại thuốc bạn có thể mua mà không cần bác sĩ kê toa. Phenazopyridine (như Azo-Gesic, Azo-Standard, và Uristat) có thể làm giảm các triệu chứng này. Nhưng phenazopyridine không điều trị nhiễm trùng, vì vậy bạn vẫn cần kháng sinh.
Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, hãy uống thuốc chính xác như được yêu cầu. Đừng ngừng uống thuốc khi đã cảm thấy tốt hơn. Bạn cần phải uống hết liệu trình để chữa dứt điểm.
Có thể phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Bạn có thể ngăn ngừa những bệnh này bằng cách:
- Dành thời gian làm rỗng bàng quang càng nhiều càng tốt khi đi tiểu.
- Nếu bạn là một người phụ nữ có sinh hoạt tình dục, hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục.
- Nếu bạn là phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh đang bị viêm đường tiết niệu nhiều lần, sử dụng liệu pháp estrogen âm đạo có thể giúp ích nhiều.
Nguồn: WebMD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn