Tiến triển và biến chứng của viêm đường tiết niệu

Thứ sáu - 20/12/2019 22:22
Viêm đường tiết niệu (UTIs) thường xảy ra khi vi khuẩn từ vùng trực tràng đi vào niệu đạo và di chuyển theo đường niệu vào bàng quang hoặc thận.

Thông thường, bệnh này gây ra các triệu chứng tiết niệu, chẳng hạn như đau buốt hoặc nóng khi đi tiểu. Một số trường hợp viêm bàng quang nhẹ có thể tự biến mất trong vòng vài ngày. Hầu hết nhiễm khuẩn đường niệu sẽ cải thiện nhanh chóng bằng kháng sinh. Khoảng thời gian cần thiết để chữa bệnh và thời điểm cần xét nghiệm nước tiểu sẽ thay đổi tùy theo vị trí viêm (bàng quang hoặc thận), tần suất và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Nhiễm trùng thận và nhiễm khuẩn phức tạp do các yếu tố khác cần được điều trị lâu hơn.

Các biến chứng của UTI không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Các biến chứng nghiêm trọng có thể bao gồm tổn thương thận vĩnh viễn và nhiễm trùng lan rộng, có thể đe doạ tính mạng. Nguy cơ sẽ lớn hơn nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị hoặc bệnh không đáp ứng với thuốc kháng sinh.

Một số người nhiều lần bị viêm đường tiết niệu (tái phát). Chúng thường là các bệnh nhiễm trùng mới, nhưng cũng có thể bệnh nhiễm khuẩn cũ trở lại nhanh. Tình trạng tái phát nhanh thường có nghĩa là điều trị không thành công hoặc có một vấn đề khác ảnh hưởng đến hệ tiết niệu (không chỉ là nhiễm trùng).

Viêm đường tiết niệu ở phụ nữ

UTI phổ biến nhất ở phụ nữ trẻ đến độ tuổi trung niên. Căn bệnh này xảy ra thường xuyên ở phụ nữ hơn nam giới vì:

  • Trực tràng (hậu môn) gần với niệu đạo ở nữ giới hơn nam giới. Điều này cho phép vi khuẩn có trong phân đi vào đường tiết niệu dễ dàng hơn.
  • Niệu đạo ở phụ nữ ngắn hơn ở nam giới, cho phép vi khuẩn tiếp cận bàng quang dễ dàng hơn.
  • Ở phụ nữ, quan hệ tình dục có thể đẩy vi khuẩn vào niệu đạo.
  • Chất dịch nhầy được sản xuất bởi tuyến tiền liệt của nam giới giúp tiêu diệt vi khuẩn trong đường tiết niệu của nam giới.

Một số phụ nữ có vấn đề nhiễm khuẩn đường niệu tái diễn. Nếu một người phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang hơn hai lần trong 6 tháng hoặc hơn ba lần nhiễm trùng trong một năm, cô ấy sẽ bị viêm đường tiết niệu tái phát. UTI tái phát thường có kết quả tốt hơn khi điều trị kháng sinh kéo dài. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể tái phát ngay khi phụ nữ ngừng dùng kháng sinh. Vì lý do này, bác sĩ thường khuyên dùng kháng sinh dự phòng.

Viêm đường tiết niệu ở nam giới

Hầu hết nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới là do vi khuẩn gây ra. UTI ở nam giới cao tuổi hơn thường liên quan đến các vấn đề về tuyến tiền liệt. Điều này có thể khiến chúng khó điều trị hơn. Phì đại tuyến tiền liệt, vấn đề phổ biến ở đàn ông lớn tuổi có thể hạn chế khả năng cơ thể đi tiểu. Viêm đường tiết niệu tái lại nhiều lần có thể cho thấy tình trạng viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, hoặc một vấn đề khác liên quan đến đường niệu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây