Bệnh mạch vành

Thứ tư - 25/12/2019 21:15
Bệnh mạch vành

Tổng quan về bệnh mạch vành

Tóm tắt sơ lược về bệnh, nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị

benh mach vanh 1 bm

Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là loại bệnh tim mạch phổ biến nhất. Đây cũng là kẻ giết người số một ở cả nam và nữ giới tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi bạn bị căn bệnh này, cơ tim sẽ không đủ máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm nhồi máu cơ tim.

Có thể sẽ là một cú sốc khi phát hiện mình bị bệnh mạch vành. Nhiều người chỉ phát hiện ra khi họ bị nhồi máu cơ tim. Cho dù có bị đau tim hay không thì cũng có rất nhiều điều bạn có thể làm để trì hoãn nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc phải các vấn đề trong tương lai.

Nguyên nhân gây bệnh?

Bệnh gây ra do sự xơ cứng động mạch (còn gọi là xơ vữa động mạch). Điều này có nghĩa là các mảng xơ vữa chứa lipid hình thành trong động mạch. Động mạch là những mạch máu đưa máu giàu oxy đến khắp cơ thể bạn.

Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể. Khi tình trạng xảy ra ở những động mạch cung cấp máu cho tim (động mạch vành), nó được gọi là bệnh động mạch vành.

Khi mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch vành, tim sẽ không nhận được đủ máu để hoạt động tốt. Theo thời gian, điều này có thể làm suy yếu hoặc làm tổn thương tim. Nếu một mảng xơ vữa bị vỡ, rách, cơ thể sẽ cố gắng để khắc phục sự bằng cách hình thành một cục máu đông xung quanh nó. Các cục máu đông có thể chặn dòng máu chảy vào tim để nuôi cơ tim và gây ra các cơn đau tim.

Các triệu chứng là gì?

Các triệu chứng có thể xảy ra khi tim hoạt động nặng hơn và cần nhiều dưỡng khí hơn, chẳng hạn như trong khi tập thể dục. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau thắt ngực - thường là đau ngực hoặc khó chịu hoặc cảm giác kỳ lạ ở ngực.
  • Khó thở.
  • Nhồi máu cơ tim. Một cơn nhồi máu cơ tim ở một số bệnh nhân là dấu hiệu ban đầu giúp phát hiện ra bệnh mạch vành.

Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm nhịp tim nhanh, cảm thấy đau bụng và đổ mồ hôi nhiều. Một số người không có bất kỳ triệu chứng nào. Trong một số ít trường hợp, một người có thể bị nhồi máu cơ tim "thầm lặng" mà không có triệu chứng nào.

Cách chẩn đoán bệnh mạch vành?

Bác sĩ sẽ khám sức khoẻ và hỏi về tình trạng sức khoẻ trước đó cũng như các yếu tố nguy cơ của bạn. Yếu tố nguy cơ là những vấn đề sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh mạch vành của bạn.

Một số yếu tố nguy cơ thông thường là những người ở độ tuổi trên 65 tuổi; hút thuốc; cholesterol cao, huyết áp cao, hoặc bệnh tiểu đường và cơ người bị bệnh tim trong gia đình bạn.

Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn bị bệnh mạch vành, có thể sẽ thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra xem tim bạn hoạt động tốt như nào. Các xét nghiệm này bao gồm điện tâm đồ (EKG hoặc ECG), chụp X-quang phổi, điện tim khi vận động và xét nghiệm máu. Bạn cũng có thể chụp mạch vành để kiểm tra lưu lượng máu đến tim.

Cách điều trị?

Điều trị tập trung vào việc làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ và kiểm soát các triệu chứng của bạn. Bạn cần thay đổi lối sống, uống thuốc và tuân thủ các quy trình điều trị được yêu cầu.

Thay đổi lối sống bao gồm bỏ hút thuốc (nếu bạn đang hút thuốc), ăn các loại thực phẩm có lợi cho tim, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm căng thẳng stress, và hạn chế uống rượu. Một chương trình phục hồi chức năng tim có thể giúp bạn thực hiện những thay đổi này.

Thuốc có thể giúp bạn hạ thấp mức cholesterol cao và huyết áp cao, kiềm chế cơn đau thắt ngực và giảm nguy cơ bị hình thành cục máu đông. .

Các quy trình cải thiện lưu lượng máu đến tim bao gồm phẫu thuật nong mạch vành và phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Nguyên nhân gây bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành gây ra do sự xơ cứng các động mạch- còn gọi là xơ vữa động mạch.

nguyen nhan gay benh mach vanh bauman

Khi mảng bám- mảng xơ vữa hình thành ở những động mạch cung cấp máu cho tim (động mạch vành), nó được gọi là bệnh động mạch vành.

Khi mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch vành, tim sẽ không nhận được máu cần thiết để hoạt động tốt. Đây được gọi là thiếu máu cơ tim. Thiếu máu cơ tim có thể gây ra các triệu chứng như đau tức ngực hoặc nặng ngực. Theo thời gian, thiếu máu cơ tim có thể làm suy yếu hoặc làm hỏng cơ tim. Tuy nhiên, thỉnh thoảng sự tích tụ mảng xơ vữa không làm hạn chế lưu lượng máu.

Nếu mảng xơ vữa vỡ ra, nó có thể gây ra nhồi máu cơ tim. Một vết rách hoặc vỡ ở mảng xơ vữa sẽ tạo ra tín hiệu để cơ thể sửa chữa các động mạch bị tổn thương, giống như cách cơ thể chữa lành một vết cắt trên da. Một cục máu đông hình thành để niêm phong, bọc khu vực tổn thương. Sự hình thành các cục máu đông có thể hoàn toàn chặn dòng máu đến cơ tim và gây ra một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).

Các triệu chứng của bệnh mạch vành

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh động mạch vành là đau thắt ngực hoặc thở hổn hển và thở hụt hơi khi tập thể dục hoặc làm các hoạt động mạnh. Phụ nữ thường có nhiều nguy cơ có các triệu chứng khác hơn nam giới như nhức mỏi và đau lưng hoặc hàm.

Cơn đau thắt ngực

Các triệu chứng đau thắt ngực bao gồm đau ngực hoặc nặng ngực hoặc cảm giác kỳ lạ ở ngực. Cảm giác này có thể ở những khu vực khác như ở cổ hoặc hàm. Tình trạng đau thắt ngực có thể ổn định hoặc không ổn định.

  • Đau thắt ngực ổn định xảy ra khi bạn có một kiểu đau điển hình. Bạn có thể dự đoán được khi nào nó xảy ra. Điều này xảy ra khi tim bạn hoạt động nặng hơn và cần nhiều dưỡng khí hơn, chẳng hạn như khi tập thể dục. Các triệu chứng sẽ mất đi khi bạn nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin.
  • Đau thắt ngực không ổn định là có sự thay đổi bất thường của cơn đau ổn định. Đó là trường hợp khẩn cấp, có thể có nghĩa là bạn đang bị nhồi máu cơ tim.

Thiếu máu cơ tim thầm lặng

Một số người không có bất kỳ triệu chứng gì. Đây được gọi là "thiếu máu cơ tim thầm lặng". Trong một số ít trường hợp, bạn thậm chí có thể bị một "cơn nhồi máu cơ tim thầm lặng", không có bất cứ triệu chứng nào.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành là những yếu tố gây xơ vữa động mạch- xơ cứng các động mạch. Xơ vữa động mạch là điểm khởi đầu cho bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguy cơ gây bệnh tim, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Biết được nguy cơ của mình mới chỉ là những bước khởi đầu trong quá trình điều trị của bạn. Hiểu được nguy cơ có thể giúp bạn và bác sĩ thảo luận về việc có cần giảm nguy cơ mắc bệnh hay không. Cuối cùng, cùng với sự hỗ trợ của bác sĩ, bạn có thể xác định phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho mình.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành bao gồm:

  • Cholesterol cao
  • Huyết áp cao.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Hút thuốc

Tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm: tức là bạn có một thành viên trong gia đình là nam giới đã được chẩn đoán mắc bệnh này trước 55 tuổi hoặc một thành viên trong gia đình là nữ giới đã được chẩn đoán trước mắc bệnh trước 65 tuổi.

Tuổi, giới tính và chủng tộc của bạn cũng có thể làm tăng mức nguy cơ. Ví dụ, nguy cơ sẽ tăng lên khi bạn già đi.

Để tìm hiểu cách giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành, hãy tham vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Khi nào cần gọi bác sĩ

Đừng chần chừ nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị nhồi máu cơ tim. Một số người không chắc chắn liệu họ đang bị, hoặc họ không muốn làm phiền người khác hay không nên họ đã quyết định chờ đợi. Nhưng việc can thiệp hỗ trợ nhanh hoàn toàn có thể cứu sống bạn.

khi nao can goi bac si benh mach vanh bm

Gọi cấp cứu hoặc các dịch vụ khẩn cấp ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim hoặc người thân có các triệu chứng bao gồm:

  • Đau ngực hoặc nặng ngực, hoặc cảm giác kỳ lạ ở ngực.
  • Ra mồ hôi.
  • Khó thở.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Đau, tức nặng, hoặc có cảm giác lạ ở lưng, cổ, hàm, hoặc trên bụng, trong một hoặc cả hai vai hoặc cánh tay.
  • Mê sảng hoặc yếu đột ngột.
  • Tim đập nhanh hoặc không đều.

Sau khi gọi cấp cứu, nhân viên y tế có thể cho bạn nhai 1 liều mạnh aspirin dành cho người lớn, hoặc 2 đến 4 liều nhẹ. Hãy đợi xe cứu thương, đừng cố gắng tự mình lái xe. Với việc được đi xe cứu thương, bạn sẽ được điều trị trước khi đến bệnh viện.

Nitroglycerin. Nếu bạn thường sử dụng nitroglycerin để giảm cơn đau thắt ngực và đột nhiên hôm nay một liều nitroglycerin không làm giảm các triệu chứng của bạn trong vòng 5 phút, hãy gọi trợ giúp. Đừng chờ đợi, hãy gọi trợ giúp nếu: các triệu chứng đau thắt ngực của bạn khác thường, xảy ra nhiều lần hơn, hoặc nghiêm trọng hơn.

Ai có thể khám chữa căn bệnh này?

Để biết bạn có nguy cơ mắc bệnh tim hay không hoặc có các triệu chứng bệnh tim hoặc có cần chăm sóc lâu dài đối với bệnh tim hiện tại hay không, hãy tìm gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nội khoa. Để chẩn đoán bệnh mạch vành, bạn có thể gặp bác sĩ tim mạch.

Để được chăm sóc liên tục cho chứng đau thắt ngực ổn định, bạn có thể tìm gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sỹ nội khoa. Đối với phẫu thuật nong mạch hoặc phẫu thuật, bạn sẽ được giới thiệu đến một bác sĩ tim mạch can thiệp hoặc bác sĩ phẫu thuật tim mạch.

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bác sĩ sẽ khám sức khoẻ và thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Bác sĩ cũng căn cứ vào các triệu chứng để chẩn đoán bệnh.

xet nghiem chan doan benh mach vanh bm

Tìm ra nguy cơ mắc bệnh động mạch vành

Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp và mức cholesterol đồng thời hỏi về các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tuổi của bạn và tình trạng hút thuốc, để giúp bạn tìm ra nguy cơ mắc bệnh tim.

Để giúp tìm ra nguy cơ bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm khác, bao gồm đo huyết áp cổ chân-cánh tay ABI, xét nghiệm CRP định lượng Protein phản ứng C, hoặc quét canxi mạch vành.

Nếu bác sĩ của bạn đề nghị xét nghiệm, hãy hỏi xem nó là gì và tại sao bạn cần thực hiện. Bạn có thể giúp quyết định xem xét nghiệm có phù hợp với mình hay không. Hãy tham vấn với bác sĩ để đưa ra quyết định.

Chẩn đoán bệnh mạch vành

Nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có thể bị bệnh tim, thì bạn sẽ cần một số xét nghiệm để đảm bảo chắc chắn. Hầu hết các xét nghiệm cơ bản ban đầu bao gồm:

  • Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG).
  • Chụp X-quang ngực.
  • Xét nghiệm máu.
  • Điện tâm đồ khi tập thể dục.

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • Xạ hình cơ tim.
  • Siêu âm tim và siêu âm tim gắng sức
  • Chụp động mạch vành.
  • Chụp CT mạch vành
  • Chụp mạch cộng hưởng từ

Tóm tắt cách điều trị bệnh mạch vành

Điều trị tập trung vào việc làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não đồng thời kiểm soát các triệu chứng của bạn. Bạn cần thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và thực hiện các quy trình điều trị.

tom tat cach dieu tri benh mach vanh bm

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là hành động đầu tiên đối với bất cứ ai bị bệnh động mạch vành. Thói quen lành mạnh có thể làm trì hoãn hoặc thậm chí ngăn chặn bệnh tật và nâng cao chất lượng cũng như kéo dài tuổi thọ của bạn. Những thói quen này bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc.
  • Ăn một chế độ lành mạnh.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Đạt đến và duy trì trọng lượng khỏe mạnh.
  • Duy trì tinh thần tích cực, khỏe mạnh

Một chương trình phục hồi chức năng tim có thể sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi này.

Quan trọng là phải kiểm soát các vấn đề sức khỏe của bạn. Nếu bạn bị cao huyết áp, cholesterol cao, hoặc bệnh tiểu đường, phải chắc chắn bạn đang làm mọi thứ để kiểm soát những vấn đề này.

Sử dụng thuốc

Có thể bạn sẽ phải uống nhiều loại thuốc giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Bao gồm:

  • Aspirin hoặc các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác để giúp ngăn ngừa cục máu đông.
  • Các loại thuốc giúp giảm huyết áp và làm giảm quá tải ở tim. Ví dụ là thuốc ức chế ACE và thuốc chẹn beta.
  • Thuốc nhóm statin giúp giảm cholesterol.
  • Để kiểm soát triệu chứng, bạn có thể dùng thuốc chống cơn đau thắt ngực, chẳng hạn như nitroglycerin.

Các quy trình can thiệp mạch máu

Nếu các triệu chứng đau thắt ngực của bạn trở nên tồi tệ hơn mặc dù đang dùng thuốc, bạn có thể nghĩ đến việc thực hiện một quy trình can thiệp mạch để cải thiện lưu lượng máu tới tim. Các quy trình này bao gồm phẫu thuật nong mạch có hoặc không đặt stent và phẫu thuật bắc cầu động mạch.

Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ là một loại chăm sóc dành cho những người bị bệnh nặng. Nó khác với chăm sóc để chữa bệnh. Mục tiêu của nó là nâng cao chất lượng cuộc sống - không chỉ ở thể xác mà còn trong tâm trí và tinh thần của bạn.

Bạn có thể chăm sóc cùng với phương pháp điều trị để chữa bệnh. Bạn cũng có thể áp dụng quy trình chăm sóc này nếu việc điều trị để chữa bệnh của bạn không còn hiệu quả.

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ sẽ sử dụng các phương pháp để giúp kiểm soát cơn đau hoặc các phản ứng phụ. Họ có thể giúp bạn quyết định phương pháp điều trị nào bạn muốn hoặc không muốn. Và họ có thể giúp người thân của bạn hiểu cách hỗ trợ bạn.

Nếu bạn quan tâm đến chăm sóc giảm nhẹ, hãy nói chuyện với bác sĩ của mình.

Chăm sóc cuối đời

Nếu tim của bạn tiến triển xấu, nó có thể sẽ làm giảm tuổi thọ của bạn. Vì vậy, bạn cần quyết định xem loại chăm sóc nào bạn muốn vào cuối cuộc đời mình.

Có thể rất khó để nói chuyện với bác sĩ và gia đình của bạn về giai đoạn cuối cuộc đời của mình. Nhưng việc đưa ra những quyết định này bây giờ có thể giúp bạn và gia đình mình yên tâm. Gia đình bạn sẽ không phải tự hỏi bạn muốn gì và bạn có thể dành thời gian tập trung vào các mối quan hệ của mình.

Bạn sẽ cần phải quyết định xem có muốn các biện pháp hỗ trợ kéo dài sự sống không nếu sức khoẻ rất xấu. Có các quy định về cách chăm sóc cho bạn vào cuối cuộc đời. Bạn cũng có thể nói nơi bạn muốn chăm sóc. Và bạn có thể chỉ rõ ai đó thực hiện những ước nguyện cuối đời của bạn.

Thuốc điều trị bệnh mạch vành

Thuốc là một phần quan trọng trong điều trị của bạn. Sử dụng đúng cách có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc tử vong vì bệnh động mạch vành.

 

Thuốc nhằm làm giảm huyết áp và giảm tải hoạt động của tim

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs)
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn kênh calci
  • Thuốc lợi tiểu

Thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông - gây ra nhồi máu cơ tim

Aspirin và các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác.

Aspirin, ibuprofen, và naproxen là tất cả các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và có thể làm giảm đau và chống viêm. Nhưng chỉ có aspirin sẽ làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột qụy. Không thay thế ibuprofen hoặc naproxen bằng aspirin. Nếu bạn cần dùng NSAID trong một thời gian dài, hãy tham vấn với bác sĩ để xem liệu nó có an toàn cho bạn hay không.

Thuốc giảm cholesterol máu

Thuốc nhóm Statin

Các loại thuốc kiểm soát cholesterol khác có thể được sử dụng cùng với thuốc nhóm statin hoặc thay bằng thuốc nhóm statin.

Đau thắt ngực ổn định có thể được kiểm soát bằng thuốc:

  • Nitrat (nitroglycerin và nitrat hoạt tính lâu dài).
  • Thuốc chẹn beta.
  • Thuốc chẹn kênh calci.
  • Ranolazine (Ranexa).

Nếu bạn uống thuốc nitrat:

Không sử dụng các loại thuốc tăng cường sinh lí như sildenafil (Viagra), tadalafil (Cialis), hoặc vardenafil (Levitra) nếu bạn dùng nitroglycerin hoặc các chất nitrat khác điều trị đau thắt ngực. Việc kết hợp hai loại thuốc này có thể làm giảm huyết áp nghiêm trọng. Hãy tham vấn với bác sĩ của bạn. Có những loại thuốc khác có thể thay thế để làm giảm cơn đau thắt ngực.

Cách uống thuốc

Thuốc là một công cụ đắc lực giúp bạn kiểm soát bệnh tim mạch. Để đạt được hầu hết tác dụng, hãy uống thuốc theo đúng quy đinh. Điều này có vẻ khá khó khăn vì bạn phải uống nhiều và tốn chi phí. Ngoài ra cũng có thể sẽ lo ngại về các tác dụng phụ.

Bạn có thể thử máu thường xuyên để kiểm soát mức độ hoạt động hiệu quả của thuốc trong cơ thể. Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào cần xét nghiệm.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Đôi khi phẫu thuật bắc cầu mạch vành là biện pháp cần thiết để cải thiện lưu lượng máu đến tim. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ nối một động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh từ phần khác của cơ thể đến động mạch vành bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Các động mạch được ghép nối sẽ chạy quanh (bắc cầu qua) phần hẹp hoặc bị tắc của động mạch. Sự bắc cầu này cung cấp một đường dẫn máu mới vào tim bạn.

Cho dù có phẫu thuật bạn vẫn cần thực hiện những thay đổi trong chế độ ăn uống và tập luyện. Những thay đổi này cùng với việc không hút thuốc sẽ mang đến cho bạn cơ hội tốt nhất để kéo dài tuổi thọ cũng như có được cuộc sống khỏe mạnh hơn. Các chương trình phục hồi chức năng tim có thể giúp bạn thực hiện những thay đổi lành mạnh này.

Nong mạch vành

Nong mạch vành là một quy trình mở rộng động mạch vành để cải thiện lưu lượng máu đến tim. Nó được thực hiện bằng cách đưa vào động mạch một ống mềm gọi là ống thông.

Nong mạch không phải là phẫu thuật, không sử dụng các vết rạch lớn (vết mổ), không cần gây mê toàn thân.

Trong quá trình nong mạch hiện nay thường sẽ sử dụng phương pháp đặt stent. Stent giúp giữ động mạch mở. Khi sử dụng stent, nguy cơ động mạch trở nên hẹp lại sẽ ít hơn.

Phương pháp nạo vữa mạch cũng có thể được thực hiện trong quá trình nong mạch. Nạo vữa mạch được thực hiện để cạo và loại bỏ mảng xơ vữa trong động mạch bị thu hẹp. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện trong một số trường hợp.

Nếu bạn quyết định nong mạch vành thì bạn vẫn cần thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện. Những thay đổi này cùng với việc không hút thuốc sẽ mang đến cho bạn cơ hội tốt nhất để kéo dài tuổi thọ cũng như có được cuộc sống khỏe mạnh hơn. Các chương trình phục hồi chức năng tim có thể giúp bạn thực hiện những thay đổi lành mạnh này.

Cách phòng ngừa bệnh mạch vành

Bạn có thể ngăn ngừa bệnh mạch vành bằng cách thực hiện các bước hướng tới một lối sống lành mạnh cho tim. Một lối sống lành mạnh cho tim cũng có thể giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ như cholesterol cao và huyết áp cao.

cach ngan ngua benh mach vanh bm

Thay đổi lối sống

Bỏ hút thuốc, tránh khói thuốc lá. Bỏ thuốc lá có thể là điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa bệnh tim.

Tập thể dục. Có rất nhiều cách mà thể dục có thể giúp tăng cường sức khoẻ tim mạch cho bạn. Tập thể dục có thể cải thiện cholesterol và huyết áp. Nó cũng có thể giúp bạn đạt được cân nặng khỏe mạnh. Tuy nhiên cần tham vấn với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục để đảm bảo nó an toàn cho bạn.

Ăn một chế độ lành mạnh. Cách bạn ăn có thể giúp bạn kiểm soát cholesterol và huyết áp của bạn.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Hoạt động và ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu cần.

Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác

Kiểm soát các vấn đề sức khoẻ khác làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, bao gồm: bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao. Duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát những vấn đề này, nhưng đồng thời bạn cũng cần phải uống thuốc.

Giảm căng thẳng stress

Căng thẳng có thể làm tổn thương trái tim bạn. Cân bằng cảm xúc bằng cách nói ra những vấn đề và cảm xúc của bạn, thay vì giữ khư khư trong lòng. Hãy thử những cách khác nhau để giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, thở sâu, thiền, hoặc yoga.

Quyết định xem có nên dùng thuốc aspirin hay không

Tham vấn với bác sĩ trước khi bạn bắt đầu uống aspirin hàng ngày. Aspirin có thể giúp một số người giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Nhưng dùng aspirin không phải là phương pháp phù hợp cho tất cả mọi người, bởi vì nó có thể gây chảy máu nghiêm trọng.

Bạn và bác sĩ có thể quyết định xem liệu aspirin có phải là một lựa chọn tốt cho bạn dựa trên nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và nguy cơ bị chảy máu nghiêm trọng hay không. Nếu bạn có ít nguy cơ thấp bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ, thì lợi ích của aspirin có lẽ sẽ không thể bù đắp cho nguy cơ chảy máu.

Sống chung với bệnh mạch vành

Chẩn đoán bị bệnh động mạch vành có thể là một điều khó có thể chấp nhập và khó để hiểu rõ ràng. Nếu bạn không có các triệu chứng, có thể khó mà nhận ra sự nghiêm trọng của bệnh và nó có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khác.

song chung voi benh mach vanh bm

Điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu về căn bệnh và những gì bạn có thể làm để giúp kiểm nó và giữ nó khỏi tiến triển tệ hơn.

Thay đổi lối sống

  • Bỏ hút thuốc, tránh khói thuốc lá. Bỏ thuốc lá có thể là điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề trong tương lai. Khi bỏ thuốc, bạn sẽ nhanh chóng giảm thiểu nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
  • Tập thể dục. Hãy bắt đầu một chương trình tập luyện (nếu bác sĩ của bạn nói rằng nó an toàn). Cố gắng đi bộ, bơi lội, đi xe đạp hoặc chạy bộ ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần. Bất kỳ hoạt động nào bạn thích cũng sẽ rất tốt, miễn là nó cải thiện nhịp tim của bạn.
  • Ăn chế độ lành mạnh. Điều này có thể giúp tránh làm bệnh tiến triển tệ hơn. Một biểu đồ so sánh chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn xem những loại thực phẩm nào được gợi ý trong mỗi kế hoạch. Các loại thực phẩm có lợi cho tim bao gồm trái cây, rau củ, thực phẩm giàu chất xơ, cá, thực phẩm ít muối, ít chất béo bão hòa, ít chất béo chuyển hóa và cholesterol.

Ăn chế độ tốt cho trái tim

Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Vận động và ăn thức ăn lành mạnh có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu cần. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị bạn tham gia chương trình phục hồi chức năng tim, trong đó bạn sẽ nhận được chỉ dẫn và hỗ trợ giúp hình thành những thói quen mới lành mạnh như ăn uống đúng cách và tập thể dục nhiều hơn.

Sử dụng thuốc

Thuốc là một phần quan trọng trong quá trình điều trị:

  • Uống thuốc đúng theo hướng dẫn, không ngừng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ thị từ bác sĩ. Kiểm soát các cơn đau thắt ngực (bao gồm đau tức ngực hoặc khó chịu) bằng cách uống thuốc đã được kê đơn và nitroglycerin khi cần.
  • Mỗi năm đều tiêm chủng ngừa cúm

Tìm hỗ trợ khi trầm cảm

Trầm cảm và bệnh tim thường liên quan với nhau. Những người bị bệnh tim thường có xu hướng chán nản. Và nếu một người bị cả trầm cảm và bệnh tim, người đó có thể không khỏe mạnh nhất có thể. Điều này làm cho căn bệnh trầm cảm và bệnh tim trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn nghĩ bạn có thể bị trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Kiểm soát các bệnh lý khác

Để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não, bạn sẽ cần phải kiểm soát các bệnh lý mà bạn có thể có, bao gồm bệnh tiểu đường, cholesterol cao và huyết áp cao.

Các cách khác để duy trì khỏe mạnh

Tìm sự hỗ trợ tinh thần. Hãy suy nghĩ về việc gia nhập một nhóm hỗ trợ bệnh tim. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các loại hình hỗ trợ sẵn có ở nơi bạn sinh sống. Gặp gỡ những người khác có cùng những vấn đề có thể giúp bạn biết mình không cô đơn. Gia đình và bạn bè của bạn cũng có thể hỗ trợ bạn.

Hạn chế uống rượu nếu hiện tại bạn có uống, có nghĩa là uống 1 ngày chỉ uống một ly đối với phụ nữ hoặc 2 ly đối với nam giới.

Kiểm soát căng thẳng và tức giận. Sự căng thẳng và tức giận cũng có thể làm tổn thương trái tim bạn, làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Hãy thử những cách khác nhau để giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, thở sâu, thiền, hoặc yoga.

Tìm kiếm hỗ trợ khắc phục các vấn đề về giấc ngủ. Ngưng thở khi ngủ là một vấn đề phổ biến ở những người bị bệnh tim.

Quan hệ tình dục khi bạn sẵn sàng. Nếu lo lắng về hoạt động tình dục và sức khỏe tim của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ, họ sẽ giúp bạn biết liệu bạn có khỏe mạnh để tham gia sinh hoạt tình dục hay không.

Nguồn: WebMD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây